Một Thời Rất Xưa

GS VƯƠNGVĂN BẮC

clip_image002Trong tháng trước, vợ chồng tôi được anh chi Phạm Ngọc Tỏa mời dự bữa tiệc vừa để mừng ngày thượng thọ, vừa để đánh dấu lễ kim hôn của anh chị ấy. Chúng tôi đã nhận lời ngay, dù dạo này tôi rất ngại tham dự những buổi đình đám tiệc tùng vì đã tuổi già thân mỏi. Đó là vì tôi không muốn lỡ dịp gặp gỡ chung vui với những người bạn thân. Chị Tỏa trước kia là sinh viên Học Viện Quốc Gia Hành Chính, trong thời gian tôi còn giảng dậy môn công pháp và chính trị học tại trường này, còn đối với anh bác sĩ Tỏa, tôi vừa là đồng môn, vừa là đồng tuế. Quả vậy, chúng tôi cùng tuổi Mão và cùng theo học ban cao đẳng tiểu học trường Bưởi từ năm 1940. Trong thời gian hơn sáu chục năm sau đó, khi còn ở trong ký-túc-xá nhà trường bên bờ Hồ Tây cũng như khi trường được di tản đến Phúc Nhạc (Ninh Bình) và Thanh Hóa, khi tái ngộ ở Viện Đại Học Hà Nội – tuy thuộc hai phân khoa khác nhau, Y và Luật – cũng như khi di cư vào miền Nam Việt Nam, cho đến khi gặp gỡ lại trên đất nước người, tình bạn giữa hai chúng tôi vẫn không thay đổi. Bởi vậy vợ chồng tôi đã hoan hỉ đến dự tiệc vui của anh chị Tỏa, tại một tửu quán quen thuộc ở quận mười ba, thủ đô Paris.

Câu chuyện trong bàn tiệc, giữa những bè bạn cố tri, đồng hương và đồng cảnh ngộ, dĩ nhiên rất đậm đà hào hứng. Tuy nhiên, lẫn vào những tiếng cười ròn rã và những lời nói ân tình vẫn còn nghe thấy những tạp âm: có người quen than phiền về những xáo trộn bất thường của thời tiết năm nay, có người mai mỉa thái độ trở cờ của một vài chính khách cũ. Có lẽ với thiện chí lèo lái cuộc đàm luận trở về những đề tài tươi sáng và nhẹ nhàng hơn cho phù hợp với không khí một bữa tiệc vui, một anh bạn bỗng hướng về phía tôi và nêu lên chuyện dịch thơ tiếng Pháp sang tiếng Việt. Anh bảo tôi nên viết một bài về đề tài này, nếu tiện anh sẽ cho phổ biến trên mạng lưới của cộng đồng.

Rất có thể đây chỉ là một lời phát biểu ngẫu hứng trong khuôn khổ thù tạc xã giao, vì chắc không ai nghĩ rằng tôi sẽ suy tưởng và viết lách trong lúc này về một đề tài có vẻ phù phiếm như chuyện dịch thơ Tây sang tiếng Việt. Nhưng tình cờ lời phát biểu ấy lại làm sống lại trong đầu óc tôi nhiều hình ảnh, kỷ niệm của thời ấu thơ và niên thiếu.

Thực vậy, tôi đã chập chững làm thơ ngay từ những năm còn ngồi trên ghế trường tiểu học Phủ Lạng Thương (Bắc Giang). Xin các bạn đừng la hoảng hay cười rũ, vì chờ đợi – hay lo ngại – phải nghe một câu chuyện giả tạo về thần đồng, thiên tài,v.v… Những bài thơ hay mẩu thơ được tôi ‘sáng tác’ trong thời ấy đều thuộc loại thơ ‘thơ con cóc’ không có giá trị văn chương nào hết và đã hoàn toàn rơi vào quên lãng kể cả trong ký ức của tôi. Tôi làm thơ từ thủa bé, có lẽ chỉ vì hoàn cảnh là đứa con trai độc nhất trong nhà, thân thể lại gầy gò yếu đuối, tôi được cha mẹ chăm sóc quá mức, không cho rong chơi ngoài đường với bạn bè, không cho tham gia những hoạt động ngoài trời, nên ở trường về chỉ còn có thể loanh quanh giữa bốn bức tường. Trong nhà lại không có những tiện nghi truyền thông hay giải trí như ngày nay, không có máy hát, đài phát thanh, vô tuyến truyền hình, máy vi tính… nên đành xem đi xem lại những tờ báo, quyển sách có sẵn trong nhà. Có lúc giở quyển từ điển ‘Petit Larousse Illustré’ đến những trang có hình vẽ không lời ở đầu mỗi chữ, để thi với bà chị tìm tên những đồ vật được vẽ trên trang; có lúc xem lén những quyển tiểu thuyết của người lớn, như ‘Tố Tâm’ hay ‘Tuyết Hồng Lệ Sử ‘. Rồi, được khuyến khích bởi mấy điểm-số cao nhận được nhờ mấy bài luận văn và phiên dịch, tôi tập tễnh làm thơ và viết truyện. Nhưng vì chưa có chút kinh nghiệm sống nào nên không thể có nguồn cảm hứng thực sự để sáng tác, tôi đành làm thơ bằng cách dịch mấy bài thơ Pháp ngữ có sẵn ở nhà. Đó là mấy bài thơ ngụ ngôn của La Fontaine và mấy bài thơ ngắn in trong sách giáo khoa ‘Le Livre Unique’ học ở trường.

Kho tư liệu văn hóa của tôi được phong phú hóa nhờ một diễn biến bất ngờ hồi cuối thập niên 30. Một ông anh họ của tôi, anh Hinh, đang theo học lớp Đệ Tứ trường trung học tư thục Thăng Long (Hà Nội) bỗng nghỉ học để vào trường đào tạo hạ sĩ quan ở Tong (Sơn Tây), trước sự thất vọng của bà cô ruột anh, tức là mẹ tôi. Sau khi ra trường, tình cờ anh lại được biệt phái về Phủ Lạng Thương là nơi gia đình tôi cư ngụ, vì vậy anh thường lại thăm chúng tôi và đã gửi lại ở nhà tôi những sách vở của anh đã có từ thời còn học ở trường Thăng Long. Do đó, tôi bỗng nhiên được sử dụng thêm một số sách thơ và truyện viết bằng Pháp ngữ, thoả mãn tính ham đọc của mình. Tôi đặc biệt ưa thích mấy tập thơ của thi sĩ Lamartine. Tôi đã cặm cụi ngồi dịch bài thơ ‘L’Isolement’ (Cô Đơn) trong tập ‘Méditations Poétiques’ của tác giả này.

Thấy tôi yêu thơ Lamartine như vậy, bà chị ruột của tôi, chị Giang, đã cố công đi mượn cho tôi bản dịch Việt ngữ của bài thơ nổi danh nhất của Lamartine, bài ‘Le Lac’ (Hồ Xưa). Phải nói là hai chị em tôi rất thương quý nhau, không những vì cha mẹ chỉ còn hai người con nhưng còn vì tính nết chị tôi rất đáng kính mến. Gia đình tôi cũng như phần lớn gia đình Việt Nam thời ấy có thói trọng nam khinh nữ. Khi tài sản trong nhà trở nên eo hẹp, chỉ có thể cho một người con đi học ở thủ đô Hà Nội mà thôi, cha mẹ tôi đã để cho tôi một mình đi học ở Trường Bưởi, còn chị tôi phải ở lại nhà giúp đỡ gia đình. Vậy mà chị tôi không bao giờ tỏ ý oán hờn ganh ghét, trái lại chị vẫn luôn luôn yêu quý tôi và coi những thành tựu sau này của tôi như những thành tựu của chính chị.

Riêng về chuyện bản dịch bài Le Lac của Lamartine, cử chỉ ân cần của chị Giang đã có phản-tác-dụng. Không phải vì bài dịch dở quá mà là vì hay quá. Các bạn hãy thử xét xem. Đây là bốn câu đầu của nguyên bản Le Lac:

Ainsi, toujours poussés vers de nouveaux rivages,

Dans la nuit éternelle emportés sans retour,

Ne pourrons-nous jamais sur l’océan des âges

Jeter l’ancre un seul jou ?

Và đây là bản dịch mà chị tôi đã mượn được cho tôi xem, như tôi còn nhớ lõm bõm sau hơn nửa thế kỷ:

Kiếp phù thế thuyền trôi, trôi mãi

Qua bờ này lại tới bến kia

Trong đêm vô tận dài ghê

Biển đời một buổi khôn bề buông neo

Tuy không thoát khỏi được thường tình, quá ưa chuộng thơ văn của chính mình, nhưng trước những câu thơ, dù là thơ dịch, vẫn giữ nguyên vẹn được âm hưởng, ý nghĩa và dáng dấp Việt Nam, tôi cũng còn đủ lương thiện trí thức để thấy rằng thơ người là hay còn thơ mình dở quá, gượng gạo như anh lính Pháp thử nói tiếng ta, nên không ngần ngại, tôi liệng ngay bản dịch bài thơ “L’Isolement” của mình vào sọt rác, và từ đấy tôi cũng không hoài công cố gắng phiên dịch những bài thơ ngoại ngữ bất hủ sang tiếng nước mình nữa. Về sau nghĩ lại, có lúc tôi cũng cảm thấy hơi tiếc, nhưng không sao nhớ lại nổi những gì mình đã vứt bỏ. Tôi còn nhớ mang máng là mình đã dịch câu lừng danh nhất trong bài L’Isolement:

‘Un seul être vous manque et tout est dépeuplé’

như sau:

‘Vắng ai khắp cả đất trời quạnh hiu’.

Dù chính mình không còn phiên dịch nữa, tôi vẫn ham thích đọc những bài thơ dịch thơ Pháp sang tiếng Việt. Tôi còn nhớ trong một cuộc thi thơ dịch do hội Khai Trí Tiến Đức Hà Nội tổ chức vào đầu thập niên 1940, bài thơ Pháp được đưa ra để dịch là bài ‘Recueillement’ (Trầm Tư) của thi sĩ Baudelaire, trích trong tập ‘Les Fleurs du Mal’ (Tà Hoa). Bốn câu đầu của bài thơ ấy như sau:

‘Sois sage, ô ma Douleur, et tiens-toi plus tranquille

Tu réclamais le Soir; il descend; le voici:

Une atmosphère obscure enveloppe la ville,

Aux uns portant la paix, aux autres le souci.’

Tôi còn nhớ bài thơ Việt ngữ được chấm nhất đã dịch như sau:

Thương Tâm, xin chớ bàn hoàn

Này đây là buổi hôn hoàng em mong

Một thành sương mịt mù phong

Khiến người trác táng động lòng bi-hoan.

Thực là đúng phong cách Việt Nam, trong từ ngữ cũng như trong cấu trúc. Trái lại, bài được chấm thứ ba tuy không dở nhưng vẫn mang vẻ Âu Tây, làm nhớ lại bài tôi dịch tác phẩm L’Isolement ngày trước:

Hãy yên lặng, niềm Đau Thương ta hỡi

Ngươi mong Chiều, Chiều đã tới đây rồi

Không những ham thơ dịch thơ tiếng Pháp, thuở bé tôi còn thích những bài hát tiếng Pháp, hoặc nhạc Pháp lời Việt. Nhưng về mục này, tôi đã phải coi chừng lắm vì cha tôi dù yêu đứa con trai nhưng vẫn rất nghiêm khắc và sẵn sàng trừng phạt. Chẳng hạn, một hôm, nghe thấy tôi nghêu ngao mấy câu tiếng Việt theo điệu bài ‘J’ai deux amours’ bất hủ của cô ca sĩ đen Joséphine Baker:

‘Hãy yên lòng em để anh đi, anh tới phương xa lập chí

Chốn chân trời, những lời thề nguyền, xin đừng lòng nào đổi thay’

Ông liền gọi ngay tôi lại gần để quở mắng:

“Con đừng hát hỏng những lời lăng nhăng như vậy! Làm trai thì phải có chí lớn, mộng lớn, chứ đâu lại ươn hèn, ủy mị đến mức cầu xin người nhi nữ giữ lời hứa hẹn với mình!”.

Lại có lần ông nghe thấy tôi oang oang hát bài của Tino Rossi:

Tant qu’il y aura des étoiles

Sous la voûte des cieux

Y aura dans la nuit sans voiles

Du bonheur pour les gueux

(Xin tạm dịch:

Chừng nào còn sao sáng

Rực rỡ trên không trung

Đêm thanh còn hoan lạc

Cho những kẻ khốn cùng)

Cha tôi cũng kêu ngay lại để trách cứ: “Bố mẹ chỉ có một con là trai, cũng mong con làm được sự nghiệp lớn, làm sao lại hát lên những ước vọng của kẻ khốn cùng, kẻ không nhà không cửa (clochards)?”.

Sau khi ra Hà Nội học, tôi cảm thấy như được giải phóng nên tha hồ cất cao giọng hát những bài mình ưa thích. Một trong những bài được anh em trong ký-túc-xá Trường Bưởi hay hát trong thời ấy là bài ‘Le Plus Beau Refrain de la Vie’ mà một điệp khúc như sau:

‘Le plus beau refrain de la vie

C’est celui qu’on chante à vingt ans

Celui que jamais l’on n’oublie

Car la vie n’a qu’un seul printemps

Qu’importe les pires folies

Aimez-vous pendant qu’il est temps

Le plus beau refrain de la vie

C’est celui qu’on chante à vingt ans. ‘

(Tôi tạm dịch:

Trong đời sống điệp khúc nào đẹp nhất

Đó là bài ta hát thủa đôi mươi

Âm điệu ấy chẳng bao giờ phai khuất

Vì đời ta chỉ có một xuân thời

Kể chi những cuồng điên rồ dại nhất

Hãy yêu đương khi còn kịp yêu người

Trong đời sống điệp khúc nào đẹp nhất

Đó là bài ta hát thủa đôi mươi.

*

* *

Sau ngày tôi ra Hà Nội học và ở trọ tại ký túc xá Trường Bưởi, tôi còn nhận được một lá thư của anh Hinh: người anh họ đã giúp tôi làm quen với thi phẩm của Lamartine. Với tính hài hước cố hữu và để nhắc khéo đến quá khứ ‘thi nhân’ của tôi, anh đã nhại lại trong thư bài hát sẩm “Anh Khóa ơi!”:

(Em Bắc ơi! Anh tiễn em ra tận bến tầu

Nhìn đoàn xe chuyển bánh sắt mà anh thấy rầu rầu lệ rơi

Ngày hôm nay nhớ em anh chẳng muốn đi chơi

Vì vắng chàng thi sĩ anh chẳng biết lấy ai bạn cùng. )

Câu cuối này mang tính trào lộng cao nhất, vì anh Hinh vừa đẹp trai, vừa bẻm mép, bạn trai bạn gái đông đảo, anh nói: “chẳng biết lấy ai bạn cùng” cũng hài hước không kém gì nhà tỷ phú Bill Gates than thở “chẳng có đồng xu dính túi để tiêu pha!”.

Vui vẻ và duyên dáng cũng chẳng giúp cho ai sống lâu: chưa đầy năm năm sau, người anh họ tôi đã chết yểu vì bị quân chiếm đóng Nhật tàn sát cùng với các đồng đội ở tiền đồn Đình Lập (Lạng Sơn), ngày 9 tháng 3, 1945 vì họ nổ súng

clip_image004
chống cự khi Nhật đảo chính ở Đông Dương. Anh Hinh đã nằm xuống, như hàng trăm ngàn trai trẻ Việt Nam đã gục ngã trong hơn nửa thế kỷ chiến tranh vừa qua. Một thời tranh chấp, thù hận, chém giết đã thay thế và xóa lấp thời của những bài hát yêu đương và những bài thơ lãng mạn. Vì thế, nhắc đến những bài thơ dịch thơ Pháp, tôi có cảm tưởng như nhắc đến một thời tiền sử xa xưa lắm, tuy thực sự mới chỉ cách đây khoảng sáu chục năm, một giọt nước nhỏ trong đại dương tháng ngày. Tôi ghi vội lại những mẩu ký ức nhỏ về thời ấy, như nhà khảo cổ gom góp những đồng tiền cũ, những mảnh đá vụn, chứng tích của một thời đại xa xôi, để chia sẻ với những người bạn cùng thế hệ với anh Tỏa và tôi, như kỷ niệm của những ngày giờ êm ả, trước khi bão táp, trước lúc quên lãng hoàn toàn.

Paris ngày 12 tháng 8, 2007